ĐẦU TƯ HÔM NAY - VỮNG CHẮC NGÀY MAI

Giới siêu giàu chuộng bất động sản và cổ phiếu

Nhóm siêu giàu dành nửa khối tài sản 2.500 tỷ USD cho nhà đất, cổ phiếu trong khi nhu cầu đầu tư theo đam mê tăng mạnh hơn vàng.
 
Khảo sát mới đây của Knight Frank - công ty tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới - cho thấy cơ cấu danh mục đầu tư trong năm 2022 của nhóm những người siêu giàu (ultra high net worth individual - UHNWI), những cá nhân sở hữu tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên, bao gồm cả nơi cư trú chính của họ. Khảo sát được thực hiện với hơn 500 chủ ngân hàng tư nhân, cố vấn tài chính và văn phòng quản lý tài sản gia đình đại diện cho "núi" tiền hơn 2.500 tỷ USD.
 
Nhìn chung, bất động sản thương mại giữ vị trí trọng yếu trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu. 21% tài sản nhóm này được đưa trực tiếp vào kênh trên, trong khi 13% được đầu tư qua hình thức tài trợ bằng nợ (debt funding) hoặc ủy thác đầu tư (REITs). Tổng cộng, khoảng 34% tài sản nhóm người siêu giàu được đổ vào kênh đầu tư này.
 
43% tổ chức được hỏi cho biết khách hàng của họ đang đầu tư vào văn phòng - loại tài sản thương mại phổ biến nhất. Nhưng trong năm nay, bất động sản chăm sóc sức khỏe mới là khẩu vị của nhóm UHNWI với 35%. Các yếu tố môi trường cũng có ý nghĩa quan trọng trong cách người giàu chọn địa ốc để đầu tư, 57% tổ chức cho biết khách hàng của họ luôn xem xét liệu bất động sản đó có nguồn năng lượng xanh hay không.
 
Dubai là thị trường bất động sản cao cấp nhộn nhịp nhất thế giới trong năm ngoái, sau khi một loạt các nhà đầu tư giàu có đổ xô đến thành phố này. Đô thị lớn nhất của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nổi lên như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế bất ổn ở những nơi khác. Năm ngoái, Dubai bán 219 bất động sản trị giá 10 triệu USD. Với những dự án trên 25 triệu USD, thành phố này báo cáo thành công với 26 giao dịch. Sự sôi động của thị trường bất động sản Dubai chỉ xếp sau New York, Los Angeles (Mỹ) và London (Anh).
 
Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong danh mục đầu tư của những người giàu nhất thế giới là cổ phiếu (khoảng 26%). Ở châu Mỹ, tỷ lệ này lên tới một phần ba. Riêng công ty đầu tư Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã chi kỷ lục 68 tỷ USD cho cổ phiếu trong năm ngoái.
 
Trái phiếu năm ngoái chiếm 17% danh mục đầu tư trung bình của UHNWI. Đây là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định. BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, gần đây cho biết các nhà đầu tư nên đổ tiền vào trái phiếu khi lãi suất liên bang tiếp tục tăng.
 
Chiếm tỷ lệ thấp hơn lần lượt là đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết và đầu tư mạo hiểm (9%), đầu tư theo đam mê như tranh vẽ, túi xách, đồng hồ, ôtô cổ (5%). Vàng và tiền số thay nhau xếp cuối danh mục với tỷ lệ 3% và 2%.
 
Theo Knight Frank, nhu cầu đầu tư theo đam mê của nhóm siêu giàu đã tăng 16% trong năm 2022, vượt qua tỷ lệ lạm phát toàn cầu, đồng thời cũng cao hơn hẳn so với phần lớn các loại hình đầu tư chính thống, bao gồm cả chứng khoán và vàng. Một số tài sản có giá trị cao và tăng giá nhanh nhất trong năm qua như bức tranh Shot Sage Blue Marilyn (195 triệu USD), chiếc ôtô Mercedes-Benz 300 SLR Uhlenhaut Coupé (143 triệu USD), đồng hồ Gobbi Milano-signed Patek Philippe Ref. 2499 (7,7 triệu USD), túi xách Hermès Himalaya Crocodile Kelly (353 nghìn USD).
 

 
Bức tranh Shot Sage Blue Marilyn được trưng bày tại nhà đấu giá Christie's ở New York (Mỹ), tháng 4/2022. Ảnh: AFP
 
Sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, nhu cầu mua kim loại quý ghi nhận tăng vọt ở nhiều nơi. Nhà phân tích tài chính James Jason của nền tảng giao dịch hàng hóa Mitrade, chia sẻ với Business Insider rằng: "Lịch sử đã chỉ ra rằng trong thời kỳ suy thoái kinh tế, từ Đại suy thoái đến đại dịch Covid-19, vàng đều tăng giá trị".
 
Vàng có lịch sử lâu dài, nhưng chênh lệch tỷ lệ trong danh mục đầu tư nhóm siêu giàu vẫn không quá cách biệt so với tiền số. Nhóm này đã rót khoảng 50 tỷ USD vào kênh đầu tư mới. Knight Frank cho biết 18% UHNWI sở hữu ít nhất một loại tiền số. 34% tổ chức được hỏi vẫn tin rằng thị trường NFT có rất nhiều tiềm năng, lạc quan nhất là những người siêu giàu Trung Quốc với tỷ lệ 64%. Dẫu thế, sau cuộc khủng hoảng liên hoàn năm ngoái, 20% tổ chức quản lý tài sản cho UHNWI trên thế giới đã thay đổi suy nghĩ.
 
Tiểu Gu - vnexpress