ĐẦU TƯ HÔM NAY - VỮNG CHẮC NGÀY MAI

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông nghìn tỉ thay đổi diện mạo Tp.HCM và vùng lân cận

Trong đầu quý 4/2021, Bình Dương tổ chức khởi công xây dựng hai tuyến đường, bao gồm đường nối ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng dài gần 17.8 km tổng mức đầu tư gần 1,471 tỷ Đồng và đường nối Tân Long đến Lai Uyên trị giá gần 564 tỷ Đồng dài khoảng 8.7 km. Tổng mức đầu tư 2 dự án là hơn 2.000 tỷ đồng.
 
Đó chỉ là một trong các hạng mục hạ tầng giao thông được triển khai gần đây tác động đến diện mạo của kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh lân cận.
 
Thủ tướng đồng ý giao 5 địa phương làm đường vành đai 4, Tp.HCM
 
Ngày 30/9/2021, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ GTVT về việc giao 5 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường Vành đai 4 – Tp.HCM. Cụ thể: Đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn khoảng 18 km – UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên khoảng 45 km – UBND tỉnh Đồng Nai. Đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn khoảng 49 km – UBND tỉnh Bình Dương.
 
Đoạn cầu Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) khoảng 17 km – UBND Tp.HCM.
 
 
Đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước khoảng 71 km – UBND tỉnh Long An.
 
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 200 km, quy mô 6 – 8 làn xe, mức đầu tư sơ bộ khoảng 100.000 tỷ đồng.
 
Bình Dương khởi công 2 tuyến đường hơn 2.000 tỉ đồng
 
Ngày 5/10/2021, tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công xây dựng hai tuyến đường, bao gồm đường nối ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng dài gần 17.8 km tổng mức đầu tư gần 1,471 tỷ Đồng và đường nối Tân Long đến Lai Uyên trị giá gần 564 tỷ đồng dài khoảng 8.7 km. Tổng mức đầu tư 2 dự án là hơn 2,000 tỷ đồng.
 
Cả hai đều thuộc tuyến đường Tạo lực huyện Bắc Tân Uyên huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng với tổng chiều dài tuyến 48,128km, tổng mức đầu tư xây lắp gần 3.807 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách tỉnh và giao cho UBND các huyện có tuyến đi qua làm chủ đầu tư.
 
Đây là tuyến giao thông quan trọng nhằm kết nối các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và kết nối với huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tp.HCM và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
 
Sau khi hoàn thiện, tuyến đường được kỳ vọng tạo trục đường liên kết, nâng cao hiệu quả khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của toàn vùng.
 
Tuyến đường được phân kỳ thành 4 dự án trong đó 1 dự án đã khởi công, 1 dự án đang lựa chọn nhà thầu thi công và 2 dự án được khởi công hôm nay.
 
15.900 tỉ đồng đầu tư cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài
 
Ngày 19/10/2021, HĐND Thành phố đã phê duyệt dự án cao tốc TP. HCM – Mộc Bài có chiều dài 50 km, quy mô 8 làn xe, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 15,900 tỷ Đồng. Dự kiến được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 1).
 
Ngày 19/10, tại kỳ họp thứ 3 HĐND Tp.HCM khóa X, HĐND Tp.HCM đã thông qua Nghị quyết đồng thuận đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
 
 
Tuyến đường cao tốc này đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho Quốc lộ 22. Đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
 

 
Qua đó phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến và các khu dịch vụ, công nghiệp phù hợp, hiệu quả.
 
Theo quy hoạch, địa điểm bắt đầu của tuyến đường cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài là từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi. Tuyến cao tốc này đi song song với Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Tuyến đường có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến cao tốc là 50km, trong đó, đoạn qua Tp.HCM dài 23,7km.
 
Khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư và chi phí khác là 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỷ đồng (trên địa bàn TPHCM khoảng 5.901 tỷ đồng, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng); chi phí dự phòng là 1.214 tỷ đồng.
 
Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Bộ giao thông vận tải thực hiện cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu
 
Ngày 24/10/2021, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gửi văn bản đến Bộ GTVT nêu ý kiến về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu theo phương thức PPP. Dự án có tổng chiều dài khoảng 53.7 km, tổng vốn đầu tư 19,916 tỷ Đồng.
 
Trước đó, ngày 27/9, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai đề nghị nghiên cứu, thống nhất báo cáo đề xuất Thủ tướng về việc giao cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu.
 
Qua nghiên cứu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có ý kiến như sau:
 
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km và đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km.
 
Thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan tổ chức lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) tại Quyết định số 1602/QĐ-TTg ngày 23/9/2021.
 
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Dự án đã được Quốc hội và Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Ban Quản lý Dự án 85 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 1732/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2021.
 
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án đường cao tốc đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Khởi công nhà ga 10.900 tỉ đồng ở sân bay Tân Sơn Nhất
 
Ngày 29/10/2021, Bộ GTVT cho biết, Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhà ga hành khách T3 đã được hoàn thành và dự kiến sẽ nghiệm thu trong tháng 11/2021. Dự án nhà ga T3 đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng tháng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, sẽ khởi công vào tháng 12/2021 dự kiến hoàn thành trong 37 tháng. Mục tiêu xây dựng ga T3 tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 20 triệu hành khách một năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm tải cho nhà ga T1.
 
Hạ Vy - Theo Nhịp sống kinh tế