Cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ mạnh với vi phạm liên quan đẩy giá bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị tăng mức phạt với sàn địa ốc.
Nghị định 16/2022 quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, sàn giao dịch bất động sản bị phạt cao nhất 200-250 triệu đồng khi đưa sản phẩm không đủ điều kiện ra chào bán hoặc cung cấp thông tin, hồ sơ bất động sản không trung thực. Hình phạt bổ sung gồm đình chỉ hoạt động kinh doanh sàn bất động sản 6-9 tháng. Tuy nhiên, quy định này không rõ mức phạt với hành vi "đẩy giá" bất động sản.
Tại kiến nghị gửi Thủ tướng các giải pháp về tình hình thị trường bất động sản, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm hành chính với các sàn giao dịch bất động sản. Đơn vị này cũng kiến nghị bổ sung hình thức kéo dài thời hạn đình chỉ hoặc buộc chấm dứt hoạt động với trường hợp sai phạm nghiêm trọng.
Cơ quan quản lý cũng cần bổ sung cơ chế kiểm soát việc công khai giá bất động sản, trình tự, thủ tục thực hiện giao dịch, các phí dịch vụ liên quan... Việc này nhằm tăng minh bạch thông tin dự án, nhất là các bất động sản hình thành trong tương lai.
Đề xuất của NEU đưa ra trong bối cảnh mức phạt với sàn môi giới địa ốc đã tăng so với trước, nhưng vẫn chênh lớn với lợi ích chủ thể kinh doanh địa ốc và dịch vụ môi giới có được từ sai phạm.
"Mức phạt hiện nay không đáng là bao nhiêu so với những khoản lợi ích mà sàn kinh doanh thu về từ một dự án", ông Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng NEU nhìn nhận.
Theo ông, điều này dẫn đến thực trạng không ít chủ thể kinh doanh chấp nhận nộp phạt để được vi phạm, gây thiệt hại lớn tới quyền và lợi ích của khách hàng, tính minh bạch của thị trường và tác động tới quản lý của Nhà nước.
Khu đất đấu giá tại huyện Thanh Oai được sàn giao dịch thu mua để bán chênh. Ảnh: Ngọc Diễm
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, thị trường bất động sản trải qua nhiều đợt "sốt nóng" do một số nhóm đầu cơ, sàn giao dịch, môi giới gom hàng, đẩy giá và lướt sóng. Từ đầu năm đến nay, nhiều phiên đấu giá vùng ven Hà Nội ghi nhận mức trúng trên trăm triệu một m2, theo Bộ Xây dựng, có dấu hiệu bị đẩy giá để bán chênh kiếm lời.
Tương tự với chung cư, nhiều sàn giao dịch lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn cung để "cộng thêm giá" khi giao dịch với khách hàng, dao động 5-20% giá bán. Hoạt động này khiến các phân khúc nhà ở ngày càng bị đội giá lên cao, vượt xa tầm với của phần đông người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho đời sống xã hội, kinh tế.
Tại báo cáo về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023, đoàn giám sát của Quốc hội cũng đánh giá chế tài xử phạt chưa đủ mạnh với các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản và cả trường hợp kê khai thông tin sai lệch giá trị tài sản. Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ địa ốc còn nhiều bất cập như nhiều sàn chưa báo cáo tình hình giao dịch, kiểm tra tính pháp lý dự án...
Đoàn giám sát đề nghị cần có chế tài đủ mạnh với hành vi vi phạm về kinh doanh bất động sản, cũng như biện pháp căn cơ ngăn chặn thao túng, tạo sốt giá, ví dụ như sớm ban hành chính sách thuế bất động sản.
Ngọc Diễm - vnexpress