ĐẦU TƯ HÔM NAY - VỮNG CHẮC NGÀY MAI

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung, giá nhà có thể còn tăng

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, với tình hình như hiện nay có thể phải mất 2-3 năm, nguồn cung BĐS mới phục hồi bình thường khi mà công tác rà soát dự án sẽ còn tiếp tục kéo dài.


 
Theo ghi nhận, công tác rà soát dự án kéo dài trong 2 năm vừa qua đã tác động lớn đến thị trường BĐS, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung tại hai thị trường lớn là Tp.HCM và Hà Nội.
 
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, tình trạng phát triển dự án BĐS tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2- 3 năm trở lại đây là rất ì ạch. Gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước từ từ nhỏ giọt cung cấp sản phẩm cho thị trường BĐS Hà Nội. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2 ngàn sản phẩm/Quý.
 
Đây là con số quá nhỏ cho một Thành phố có gần mười triệu dân. Đáng nói, trong lượng cung mới từ các dự án BĐS tại Hà Nội, rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông ....tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao đạt khoảng 70%. 
 
Trong khi đó, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ .
 
Tình trạng khan cung diễn ra tương tự tại Tp.HCM. Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, cũng như Hà Nội, Tp.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu (Quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường....).
 
Thời gian gần đây, ngoài đại dự án đô thị tại Quận 9, một số dự án nhà ở khác đã cơ bản hoàn thành thủ tục thì rải rác dần được cấp giấy phép xây dựng và đủ điều kiện bán sản phẩm trong năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, hầu hết chủ đầu tư các dự án này đều phải lách luật bán sản phẩm trước theo kiểu đặt cọc hoặc ký quỹ đảm bảo thực hiện mua bán sản phẩm... để đáp ứng nhu cầu rất cao của thị trường địa phương. Vì vậy, mặc dù số lượng sản phẩm chào bán trong kỳ cao nhưng phần lớn các sản phẩm này đã được hấp thụ từ trước, sản phẩm thực tế còn bán trên thị trường rất ít.
 
Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khan hiếm nguồn cung, giá nhà có thể còn tăng
 
 
Theo dự báo, với tình hình như vậy, có thể phải mất 2-3 năm, thị trường BĐS ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM mới có thể hồi phục lại nguồn cung. Chia sẻ tại mội hội thảo mới đây, GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, nguồn cung trong năm 2020 giảm dẫn tới thị trường bất động sản 3 năm tới sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm làm giá nhà tăng cao.
 
Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh, hoạt động khai thác kinh doanh không hiệu quả, kinh tế suy giảm khiến các nhà đầu tư chọn bất động sản là nơi "đổ tiền" với hi vọng có thể sinh lời nhanh và bền vững. Các dự án bất động sản có nguồn cung ổn định, pháp lý rõ ràng đang thu hút lượng quan tâm lớn.
 
Còn chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang nhận định, năm 2021 BĐS dịch vụ, BĐS công nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Còn đối với nhà ở vẫn chưa có nhiều sản phẩm mới, nguồn hàng cũ vẫn nhiều, giá đã tăng lên mức cao nên khó tăng nữa. Theo đó, dự báo năm 2021 giao dịch có thể chậm, đều đều, tỉ lệ hấp thụ sản phẩm cũng vừa phải, giá có thể đi ngang chứ không tăng mạnh, duy trì mức tăng khoảng 5%-10%.
 
Các chuyên gia cũng kì vọng, thị trường bất động sản 2021 sẽ có nhiều "điểm sáng" nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đây có thể là cơ sở để nguồn cung BĐS phục hồi trở lại. Chẳng hạn, Nghị định số 25 được ban hành tháng 2/2020 quy định, giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường; Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền; Thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 bắt đầu có hiệu lực; Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản. Đặc biệt, khi Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường BĐS.
 
Dự báo thị trường BĐS trong thời gian tới, Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid 19, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường BĐS nóng ấm, phục hồi trở lại.
 
Tuy vậy, nguồn hàng tại các dự án BĐS do các doanh nghiệp triển khai, tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra. Tại các địa phương khác, nguồn hàng đưa ra thị trường chủ yếu nằm ở các dự án đã triển khai trước đó. Các dự án được phê duyệt mới sẽ được triển khai nhiều hơn, sau khi các địa phương ổn định bộ máy tổ chức sau Đại Hội. Nhiều dự án đấu giá đất sẽ được triển khai tại các địa phương để tạo ngân sách đảm bảo sự đầu tư phát triển cho nhiệm kỳ mới.
 
"Làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS cả nước. Các địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư, Sàn giao dịch bất động sản cần có chính sách kịp thời để thu hút và khai thác hiệu quả trong giai đoạn cuối năm này", đại diện Hội môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh.
 
Hạ Vy - Theo Kinh doanh & Phát triển