Giá đất tại 3 huyện ngoại ô TP.HCM bao gồm Bình Chánh, Hóc môn, Nhà bè được quy hoạch lên quận đang tăng phi mã trong thời gian gần đây. Đặc biệt, giá đất tại Bình Chánh đang sốt hầm hập, có nơi vọt lên 140 triệu đồng/m2.
Giá đất Bình Chánh tăng vọt
Theo tờ trình Sở Nội vụ TP.HCM gửi UBND TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chuyển 3 huyện thành quận: Nhà Bè, Hóc Môn và Bình Chánh. Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai ở 2 huyện còn lại là Cần Giờ và Củ Chi cũng sẽ lên quận.
Theo định hướng quy hoạch, huyện Bình Chánh sẽ trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật phía Tây Nam thành phố.
Để phát triển kinh tế, thời gian qua Bình Chánh đã quy hoạch lại đồng bộ, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường chính được nâng cấp, mở rộng. Đơn cử như mạng lưới liên kết vùng hoàn thiện với các tuyến huyết mạch như Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ thuận, tương lai sẽ có thêm tuyến đường sắt cao tốc 10 tỷ USD TP.HCM - Cần Thơ... Việc phát triển tuyến BRT đã kích thích bất động sản dọc theo tuyến này phát triển.
Trong 3 huyện được quy hoạch lên quận, giá đất Bình Chánh vượt trội hơn, đắt gấp đôi so với Hóc Môn. Ảnh internet
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tại Bình Chánh đang diễn ra nhanh chóng với hàng loạt dự án khu dân cư. Nếu ở thời điểm năm 2004 khi mới tách huyện, dân số của Bình Chánh khoảng 240.000 thì đến năm 2017, con số đó tăng lên 625.000 người (tăng gấp 2,5 lần).
Trung bình một năm, huyện Bình Chánh tăng khoảng 33.000 người, tương đương quy mô dân số của một đơn vị xã phường.
Những yếu tố trên là một trong các lý do khiến thị trường bất động sản tại Bình Chánh có biên độ tăng giá tốt.
Đặc biệt, trước thông tin Bình Chánh lên quận đã ngay lập tức tác động đến giá nhà đất ở địa phương này. Trong 3 huyện được quy hoạch lên quận, giá đất Bình Chánh vượt trội hơn, đắt gấp đôi so với Hóc Môn.
Nếu như cách đây 3 năm, giá đất trung bình ở Bình Chánh chỉ khoảng 28 - 30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40-50 triệu đồng/m2. Còn với những xã như Bình Hưng, gần với trung tâm TP.HCM giá đất ở mức trung bình cũng lên tới 80-90 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, khu Trung Sơn còn tăng vọt lên ngưỡng130- 140 triệu đồng/m2, xã Phong Phú giá đất cũng tăng lên 40 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A là 30 triệu đồng/m2.
Một mảnh đất ở Bình Chánh được rao với giá hơn 70 triệu đồng/m2. Ảnh chụp màn hình
Theo một nhà đầu tư bất động sản tại Bình Chánh, đất Bình Chánh lâu nay chỉ người có nhu cầu thật sự mua để ở, nhưng từ khi có thông tin lên quận thì các nhà đầu tư mua đi bán lại đã bắt đầu chú ý đến thị trường khu vực này và đang lùng mua các bất động sản tốt để đầu tư.
Trên các diễn đàn, website bất động sản, giá đất tại Bình Chánh diễn ra rất sôi động. Trên trang Chợ tốt, một mảnh đất có diện tích 81 m2 nằm ở Khu Dân cư Phong Phú 5 được rao với giá 5,95 tỷ đồng, tương đương với 73,46 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, khách mua chỉ cần trả trước 1,19 tỷ đồng, còn trả góp 21,82 triệu đồng mỗi tháng. Mảnh đất được quảng cáo là vị trí đẹp, hướng Đông Nam; Gần trục đường số 10 ngay ủy ban nhân dân xã bình Hưng đi vào 100m; Đất nằm trong phân khu nhà phố hiện đại đối diện là khu biệt thự rất thoáng mát, an ninh...
Hay một một mảnh đất có diện tích 1.896 m2 ở xã Vĩnh Lộc B được rao với giá 70 tỷ đồng, tương đương với 36,92 triệu đồng/m2. Mảnh đất cũng được mua trả góp, trả trước 14 tỷ đồng và mỗi tháng góp 256.67 triệu/tháng.
Dễ xảy ra tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp ồ ạt khiến giá đất tăng bất thường
Theo các chuyên gia địa ốc, nhiều nhà đầu tư đang dành sự quan tâm hơn vào Bình Chánh nhằm "đón đầu" thị trường khi mà biên độ tăng giá còn cao, hệ thống cơ sở hạ tầng đang phát triển mạnh. Mặt khác, người mua ở thực đổ về đây tìm kiếm chốn an cư ngày càng nhiều chính là lợi thế để bất động sản khu vực này gia tăng giá trị.
Ở góc nhìn khác, trên báo chí ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Vietnam, cho rằng khi giá đất tăng cao, vấn đề đền bù, bồi thường, giải tỏa và chi phí đầu vào để phát triển dự án cũng tăng theo.
Theo đó dẫn đến việc các chủ đầu tư chỉ chú trọng vào phân khúc nhà ở trung cấp trở lên mà bỏ ngỏ phân khúc nhà ở vừa túi tiền (căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2 hiện tại gần như đã biến mất). Không những vậy, nhà nước đầu tư các dự án hạ tầng cũng trở nên khó khăn hơn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng cho rằng, trước đề án các huyện ngoại thành TP.HCM lên quận có thể xảy ra tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị một cách ồ ạt, khiến nhà đất tăng giá bất thường. Bởi từ trước đến nay, mỗi khi xuất hiện thông tin khu vực nào được nâng cấp lên quận, giá đất tại khu vực đó lại sốt nóng làm cho thị trường bất ổn, điển hình như TP.Thủ Đức.
"Như vậy, TP cần có giải pháp minh bạch thông tin quy hoạch, lộ trình đầu tư cơ sở hạ tầng để nhà đầu tư, người dân hiểu, tránh chạy theo tâm lý đám đông, cò đất để xuống tiền một cách vội vã. Bởi từ khi đề xuất đến lúc có quyết định lên quận phải mất 5 năm. Trong thời gian này, thị trường sẽ xảy rất nhiều biến động mà nhà đầu tư khó kiểm soát", ông Hoàng nói.
Theo Dân Việt