Người dân thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà không đăng ký biến động đất đai sẽ bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng.
Sang tên sổ đỏ thực chất là thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (có đất và nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất).
Theo khoản 2 Điều 133 Luật Đất đai 2024, khi sang tên sổ đỏ, người nhận chuyển nhượng, tặng cho được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) đã cấp hoặc được cấp mới Giấy chứng nhận.
Theo đó, trường hợp cấp mới Giấy chứng nhận: Người nhận chuyển nhượng, tặng cho được cấp một sổ mới đứng tên mình, tuy nhiên cần phải trả thêm chi phí làm phôi sổ mới.
Trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên Giấy chứng nhận đã cấp: Trường hợp này, toàn bộ thông tin về việc chuyển nhượng, tặng cho sẽ được thể hiện trên trang 3, trang 4 của sổ. Người nhận chuyển nhượng không cần trả thêm chi phí làm sổ mới mà vẫn có đầy đủ quyền khi giao dịch.
Khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 nêu rõ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động thì người dân bắt buộc phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai có thẩm quyền. Như vậy, sang tên sổ đỏ là thủ tục bắt buộc để nhà nước quản lý. Nếu trong vòng 30 ngày từ ngày công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà đất, người dân không thực hiện sang tên sổ đỏ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 4/10 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo đó, tại Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP đã quy định về mức phạt đối với hành vi không đăng ký đất đai.
Cụ thể, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024, gồm: Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng; Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký.
Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai, gồm:
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;…
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên. Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.
Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai;…
Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề.
Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất; bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Dương Dương - Nhịp sống thị trường